Blog Tình Yêu : Truyện ngắn : Đừng buông tay em thêm lần nào nữa

Contributors

Blog Archive

Powered by Blogger.
[2][true][slider-top-big][Galleries]
You are here: Home / Truyện ngắn : Đừng buông tay em thêm lần nào nữa

Truyện ngắn : Đừng buông tay em thêm lần nào nữa

| No comment

Blog tinh yeu Cũng chỉ yêu anh, tin anh mà chị dành trọn trái tim mình suốt gần chục năm trời. Bây giờ anh nói một câu chia tay, bỏ lại chị ngồi đây với nỗi buồn khi tuổi xuân đã ở lại sau lưng.

Anh gọi cho chị vào lúc 12 giờ đêm chỉ để nói với chị rằng anh sẽ đi lấy vợ dù tình yêu đối với chị vẫn còn sâu nặng lắm. 12 giờ đêm, trong xóm quê nghèo, chị khóc òa giữa bao nhiêu nỗi niềm cay đắng. Những ngày chị rời bỏ anh thì anh tìm mọi cách níu lại tình yêu trong chị. Đến ngày chị quyết định sẽ không bao giờ buông tay anh thêm một lần nào nữa thì tự anh lại muốn dời xa chị. Tình yêu đâu phải là chò chơi trốn tìm thuở nhỏ?
Anh hơn chị mười tuổi, đã qua một đời vợ, ngoại hình nhìn qua thấy xấu nhìn lâu cũng không thấy duyên, tính tình thật thà có phần hơi cục mịch. Anh làm chủ thầu các công trình xây dựng ở thành phố Nam Định. Nhờ người quen chị xin vào làm chân nấu nướng cho dân công trình của anh. Thế rồi quen nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Nhiều lúc chị bảo:
-Anh vừa xấu vừa già, sao em lại yêu anh nhỉ? Hay là anh bỏ bùa em đấy, nếu anh bỏ bùa thật thì giải bùa cho em với. Để em còn về với mẹ, lấy tấm chồng quê cho yên phận.
Anh cười bảo có bùa thật thì đã sao, sẽ chẳng bao giờ anh chịu rời xa chị.
Nhà chị nghèo, vì nghèo nên chị không được theo đuổi ước mơ trở thành cô kỹ sư nông lâm, mà phải đi làm sớm lấy tiền giúp đỡ gia đình. Quê chị tận trên miền ngược, thu nhập chỉ nhờ vào rừng chè và ruộng đất cằn, mà chè thì bấp bênh nay giá này mai giá khác. Nhà chị lại đông anh em, tuy không phải là con cả nhưng mọi công việc lớn bé trong nhà chị đều phải chung tay gánh vác. Học xong cấp ba, đi làm được năm năm mà ước mơ thuở nào vẫn không nguôi cháy trong lòng chị. Có nhiều đêm, chị mơ thấy mình đứng giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng quê hương. Trên mảnh đất cằn cỗi mẹ vẫn trồng sắn hàng năm sẽ thay một giống cây mới, đạt giá trị năng suất cao cho đời sống người nông dân quê chị thêm no ấm. Từ bé, chị đã rất đỗi yêu thương quê hương, càng yêu thương càng quặn lòng khi thấy quê mình nghèo quá. Nghèo là bởi đất đai khô cằn, là người nông dân không dám thay đổi cây trồng, không có vốn đầu tư, không thử nghiệm. Đã có lúc nghĩ đến những khó khăn trước mắt, chị không ít lần liên tưởng đến hình ảnh con thuyền rách nát và khát vọng vươn tới biển khơi. Nỗi khát khao ấy còn lớn hơn cả tình yêu chị dành cho anh.
Khi đã kiếm được ít vốn, khi kinh tế gia đình cũng đã tạm ổn, chị quyết định vừa làm vừa ôn thi Đại học. Anh bảo sẽ nuôi chị học, nuôi đến khi nào chị tự đứng được trên ước mơ của mình. Chị cười, trách anh sao chưa gì đã tính chuyện nuôi nhau.
Ngày chị đỗ Đại học cũng là ngày chị dẫn anh về nhà ra mắt. Bố nheo mày hỏi:
-Chú nào đây con?
Mẹ thở dài nói nhỏ con gái:
-Đừng bảo với mẹ là mày yêu người này. Còn trẻ đẹp, thiếu gì người mà đi yêu người hơn mình cả mười mấy tuổi hả con? Giàu cũng không ham con ạ.
Chị ôm mẹ nũng nịu phân trần:
-Anh ấy cũng đâu có già và xấu quá. Anh ấy tốt là được rồi mà mẹ, hơn nữa mẹ chẳng từng bảo yêu người hơn tuổi cho già dặn, chín chắn đấy thôi ạ.
Mẹ thở dài:
-Cô đến tuổi này cũng là già dặn lắm rồi. Mà đã tìm hiểu kĩ chưa, bằng này tuổi rồi có khi người ta có vợ ở quê rồi cũng nên, cứ đâm đầu vào rồi lại tự làm khổ mình thôi con ạ.
Người làng ai hiểu thì chậc lưỡi bảo “thôi thì cái duyên cái số nó vồ đến nhau chứ biết làm thế nào được”. Người thì bảo “chắc con bé bị bỏ bùa mê thuốc lú.
Blog tinh yeu cuoc song Rõ khổ”. Những lời nói ấy đều đến tai anh, nhưng anh không nói gì, vẫn vui vẻ nói cười mỗi lúc được gần chị. Thi thoảng vẫn bỏ công việc sang một bên để đưa chị về miền ngược, nơi chị bắt đầu cặm cụi với từng hòn đất. Chị bảo “đất nghèo nhưng vẫn có thể làm giàu được”. Anh thấy thương chị nhiều hơn. Đã không ít lần vì sức ép gia đình và khoảng cách quá xa mà chị tính đến chuyện chia tay, nhưng anh vẫn khẳng định tình yêu của mình dành cho chị bằng những vỗ về yêu thương lúc vui buồn. Để rồi chị nhận ra rằng anh cũng giống như một phần ước mơ của chị, cái mầm hạnh phúc bé nhỏ ấy cũng cần được nâng niu.
Chị ra trường, nhận công tác ở quê, cũng là lúc mẹ anh lâm bệnh nặng. Ước muốn cuối cùng của mẹ là nhìn thấy anh tìm được hạnh phúc cho mình bằng một dám cưới có đông đủ anh em, họ hàng chứng kiến. Mẹ bảo chị:
-Nhà chỉ có một mẹ một con nên mẹ muốn sau này Hùng và con về đây sống còn thắp hương cho bố mẹ, tổ tiên. Kinh tế cũng đầy đủ rồi, con về đây bán hàng, sinh con rồi coi sóc nhà cửa, đất đai. Chứ mẹ không muốn Hùng lên quê con ở mà cũng không muốn vợ chồng con mỗi đứa một nơi. Nếu con thuận lời thì về làm dâu nhà mẹ.
Chị nắm bàn tay gầy guộc của người đàn bà đã hy sinh cả đời để chăm sóc cho người chị yêu thương. Bàn tay đã lạnh đi nhiều vì mưa nắng, vì nỗi cô độc của người già và vì sự héo hắt chờ đợi người con trai yên bề gia thất sau một lần đứt gánh giữa đường. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chị mủi lòng. Nhưng ước mơ ươm mầm xanh cho quê hương vẫn chưa làm được, đất cằn cỗi vẫn bạc màu nghèo đói. Và…liệu chị có được vượt qua được những rào cản gia đình để đến với anh?
* * *
Anh ngồi bên mẹ, nghe hơi thở yếu ớt đều đều như những tiếng thở dài của mẹ. Anh là đứa con duy nhất mẹ mang nặng đẻ đau, gắng gượng nuôi anh khôn lớn ngay cả khi bố đã mất, bao nhiêu khó khăn đè lên đôi vai bé nhỏ của mẹ. Ngày anh lấy vợ, mẹ khóc vì mừng vui con đã yên bề gia thất, nhưng nào ngờ cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy của mẹ anh cũng không thể gìn giữ được. Nàng dâu đầu tiên của mẹ ra ra đi mang theo một bí mật mà mẹ không hay biết. Con trai mẹ mắc bệnh vô sinh. Từ ấy đến giờ mẹ vẫn giục anh mau mau lấy vợ để mẹ còn bế cháu. Anh cứ ậm ừ cho qua chuyện vì không muốn mẹ thêm lo lắng. Cho đến bây giờ, khi nhìn mẹ nằm đây vẫn không yên vun vén cho anh, tự nhiên anh thấy có lỗi với mẹ thật nhiều.
Bác sĩ nói mẹ không sống được lâu nữa, tuổi già sức yếu lại thêm bệnh cao huyết áp lâu năm. Tuổi trẻ anh đi tứ xứ giang hồ, đến lúc đứng tuổi rồi quay trở về bên mẹ thì nhận ra mẹ vẫn gần đây mà lại như bóng mây bay ngang qua cuộc đời rồi tan vào hư vô. Trong những ngày chăm sóc mẹ tại bệnh viện, anh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Mẹ nói hạnh phúc lớn nhất đời mẹ là có anh, cũng vì có anh trên đời nên mẹ đã vượt qua tất cả những sóng gió cuộc đời. Càng thương mẹ bao nhiêu anh càng nhận ra tình yêu của mình dành cho chị là ích kỉ. Suốt gần chục năm yêu nhau, anh chưa từng khi nào dám thú nhận với chị rằng anh không thể có con. Cũng chính vì chạy chữa khắp nơi không khỏi mà người vợ đầu đã bỏ anh đi. Anh sợ nếu nói ra chị cũng sẽ dời bỏ anh như thế. Anh cứ nghĩ đơn giản rằng nếu trong nhà cần tiếng trẻ con thì chỉ cần đi xin một đứa nhỏ về nuôi, nhưng có lẽ anh đã không hiểu được sự gắn kết thiêng liêng bền chặt của tình máu mủ ruột già. Những điều ấy có lẽ chỉ những người phụ nữ mới hiểu và họ cần có nó như cần một bờ vai, một mái ấm gia đình.
Anh nhớ đã từng có lần hỏi chị:
-Ngoài ước mơ trở thành cô kĩ sư nông lâm, mang màu xanh trù phú đến cho quê hương em còn mơ ước gì nữa không?
Tay chống cằm, gõ nhẹ những búp mang lên gò má chị bảo:
-Em muốn lập gia đình để sinh những đứa con ngoan. Em thích tiếng trẻ con, thích được chăm bẵm, vỗ về, hôn hít chúng.
Rồi chị thở dài bảo giá như chị có thể thực hiện được được những điều tốt đẹp mà mình mơ ước. Ngay lúc ấy anh đã chạnh lòng nghĩ rằng mình không thể là bến đỗ cuộc đời của chị. Cho đến ngày hôm nay khi mẹ anh cần một nàng dâu, chị cần một mái ấm đủ bền vững để theo đuổi ước mơ của mình thì việc anh cần chị dường như đã là điều không thể. Anh tự hiểu được anh không có quyền giữ chị lại cho riêng mình nữa. Chị thuộc về những người dân nghèo ở miền quê ấy, thuộc về mảnh đất khô cằn đang chờ bàn tay người ươm mầm, tưới tắm. Và chị còn thuộc về tiếng cười của những đứa con do chị sinh ra, chăm bẵm chúng. Chính vì thế nên anh gọi cho chị để nói rằng anh sẽ đi lấy vợ. Lúc ấy kim đồng hồ trên tường chỉ đúng 12 giờ đêm, tiếng mẹ anh thở đều nhưng mong manh, yếu ớt. Khẽ gục mặt vào hai bàn tay. Anh khóc.
* * *
Người nông dân đã bắt đầu ươm cây cho dải rừng bao quanh làng. Trung du có phần lớn diện tích là đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện địa hình vùng núi. Vốn có thế mạnh đặc biệt để phát triển các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới, ngoài cây chè chị quyết định đưa xoài, nhãn vải, đu đủ vào trồng thêm và đưa cây keo, cây tràm trồng trên những dải đồi cao hơn. Ban đầu chị áp dụng trên đồi nhà mình và phần đất để khô cằn lâu năm của bà con chòm xóm. Công việc mới chỉ dừng lại ở bước đầu, còn biết bao nhiêu khó khăn trước mắt. Chính vào lúc này chị cần anh ở bên cạnh biết nhường nào. Vậy mà…
Chị đã 28 tuổi. Ở cái tuổi ấy con gái chưa lấy chồng được coi là gái lỡ thì. Dân làng đồn ra đồn vào nói “hồng nhan thì bạc mệnh”, mẹ chị thở dài mỗi đêm đến héo hắt ruột gan. Cũng chỉ yêu anh, tin anh mà chị dành trọn trái tim mình suốt gần chục năm trời. Bây giờ anh nói một câu chia tay, bỏ lại chị ngồi đây với nỗi buồn khi tuổi xuân đã ở lại sau lưng. Chị đã chấp nhận anh như đã từng chấp nhận những mơ ước và khó khăn của cuộc đời mình. Nhưng chính anh lại là người dời xa chị. Anh nói vì anh không thể có con, không mang đến hạnh phúc cho chị được. Vậy mà anh đã níu kéo chị suốt mười năm. Muốn giận anh, muốn quên ngay anh và đi tìm hạnh phúc mới cho mình nhưng tại sao con tim cứ nhu mì, cứ gọi tên anh mãi…
Đêm nay, chị muốn đi tìm anh, muốn một lần nữa níu tay anh lại. Cho dù anh nói rằng sẽ đi lấy vợ thì chị vẫn muốn đi tìm anh. Bởi tình yêu của chị dành cho anh lớn lao hơn cả những khó khăn, xa cách. Gần mười năm thương nhau đâu phải ít ỏi gì mà sao bỗng nhiên đêm nay anh lại buông tay chị. Chỉ cần nắm chặt tay nhau thôi là được rồi. Nếu chị tìm được anh lần này, chị sẽ bảo anh “đừng bao giờ buông tay em thêm một lần nào nữa”.